TƯỢNG ĐÀI KỶ NIỆM SỰ KIỆN 100 NGÀY TẬP KẾT CHUYỂN QUÂN RA BẮC
30-12-2022, 10:25:00
Nguyễn Văn Lượm
Bài viết
Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở trận Điện Biên Phủ. Ngay ngày hôm sau 8/5/1954, hội nghị Giơnevơ khai mạc và đến ngày 20/7/1954 thông qua được văn bản Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Cao Miên.
Tượng đài sự kiện tập kết 1954
Để thực hiện hòa bình, quân đội hai bên phải ngừng bắn; vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) được làm ranh giới tạm thời, quân đội nhân dân Việt Nam tập trung vào miền Bắc, quân đội Pháp tập trung vào miền Nam để đến ngày 20/7/1956 tổ chức tổng tuyển cử cả nước, thống nhất đất nước.
Ở Nam bộ được chia 3 vùng tập kết quân đội nhân dân Việt Nam để chuyển ra Bắc gồm: Khu vực Hàm Tân, Xuyên Mộc 80 ngày (tính từ ngày ký hiệp định Giơnevơ 20/7/1954), khu vực Đồng Tháp Mười 100 ngày, khu vực Cà Mau 200 ngày. Ở miền Trung quân đội ta xuống tàu ở Bình Định, chia làm 3 đợt: 80 ngày, 100 ngày và 300 ngày.
Ở khu vực Đồng Tháp Mười, đến ngày 23/8/1954 toàn bộ quân đội Pháp kể cả lực lượng võ trang Cao Đài, Hòa Hảo thân Pháp rút ra, giao lại cho quân đội nhân dân Việt Nam gom về tập kết bao gồm quân đội các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Long Châu Sa, các tỉnh miền Đông: Gia Định, Tây Ninh và tình nguyện quân Việt Nam ở Cao Miên... Địa điểm xuống tàu ra Bắc là bến Bắc Cao Lãnh và Doi Me.
Mảng phù điêu bên phải tượng đài
Tiểu đoàn 311 của tỉnh Long Châu Sa được vinh dự vào tiếp quản nội ô thị trấn Cao Lãnh.
Thi hành Hiệp định, quân đội ta từ các nơi tập trung về lần lượt xuống tàu đi ra Bắc ở bến bắc Cao Lãnh từ ngày 7/10/1954. Mỗi chuyến đi có hàng ngàn đồng bào đứng dọc hai bên đường và bờ sông Cao Lãnh lưu luyến tiễn đưa bộ đội ta xuống tàu. Chuyến cuối cùng là ngày 29/10/1954.
Theo báo cáo tổng kết, bộ đội ta xuống tàu đi ra Bắc ở bến bắc Cao Lãnh với tổng số 13.508 người. Trong đó, bộ đội tỉnh Long Châu Sa 2.563 người (Tiểu đoàn 311 là 586 người), tỉnh Mỹ Tho 4.011 người, tỉnh Gia Định Ninh (Gia Định, Tây Ninh) 3.479 người, Phân Liên Khu miền Đông 2.523 người, tình nguyện quân Miên 794 người...
Mảng phù điêu bên trái tượng đài
Để kỷ niệm sự kiện đó, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng khu tượng đài kỷ niệm này. Công trình tượng đài xây dựng trên khuôn viên 1,2ha, khởi công năm 2017, hoàn thành năm 2019, tổng kinh phí khoảng 49 tỉ đồng. Tượng đài tưởng niệm nhằm ghi nhận những công lao đóng góp, sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp; giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
NGUỒN: TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ BTĐT