CỤ PHÓ BẢNG NGUYỄN SINH SẮC

CỤ PHÓ BẢNG NGUYỄN SINH SẮC


Ông Nguyễn Sinh Sắc, người làng Sen (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), sinh năm 1862; con ông Nguyễn Sinh Nhậm và bà Hà Thị Hy. Cha mẹ mất sớm, ông phải sống với người anh cùng cha khác mẹ, sau đó về làm con nuôi cụ Tú Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù (tức làng Chùa, nay thuộc xã Kim Liên), ông được cụ Tú thương yêu cho ăn học và gả con gái (bà Hoàng Thị Loan).

Nguyensinhsac.jpg

Cụ Nguyễn sinh sắc

Thuở nhỏ nổi tiếng thông minh, năm 1894 ông đỗ Cử nhân. Năm sau không đậu kỳ thi Hội, dù gia cảnh nghèo, nhưng ông quyết tâm theo đuổi khoa cử. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng. Với quan niệm học để làm người, không phải học để làm quan; đồng thời, trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp thống trị, làm quan là làm tay sai cho giặc, là đắc tội với đồng bào, nên sau khi đỗ đạt, ông đã hai lần từ chối lời kêu ra làm quan của triều đình. Ông sống thanh đạm bằng nghề dạy học, nghiên cứu tân thư, kết bạn tâm giao với các sĩ phu yêu nước như: Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh v.v. và đặc biệt chú tâm dạy dỗ con cái.

Năm 1906, khi không còn lý do thoái thác, ông nhận chức Hành tẩu bộ Lễ; song ông thường nói: “Quan trường thị nô lệ trung, chi nô lệ, hựu nô lệ” và răn dạy các con: “Dĩ vật quan gia di ngô phong dạng” (chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). Ông dạy con rất nghiêm khắc, song cũng rất tôn trọng nguyện vọng của các con. Ông là một nhà Nho tiến bộ, cho rằng trung quân không phải là ái quốc, mà ái quốc là ái dân, tán thành chủ trương canh tân của Phan Chu Trinh, cho hai con trai vào học trường Pháp - Việt từ năm 1905. Năm 1909, ông được đưa vào Bình Khê (Bình Định) nhận chức Tri huyện.

Lúc ngồi ghế Tri huyện, ông thường giao du với các nhà Nho yêu nước ở địa phương, tạo điều kiện cho những nông dân thiếu tiền thuế, những người tham gia phong trào chống thuế v.v. đang bị giam cầm, trốn thoát. Ông rất oán ghét bọn cường hào bức hiếp nông dân và thường đứng về phía nông dân chống lại chúng. Nhân vụ một tên cường hào bị ông bắt giam rồi chết sau khi thả ra hai tháng, ông bị triều đình phạt 100 trượng, sau gián bốn cấp và thải hồi.

Tượng Nguyễn Sinh Sắc trong khu lăng mộ ông ở thành phố Cao Lãnh

Tháng 3/1911, ông vào Phan Thiết, rồi đến Sài Gòn, cùng Nguyễn Tất Thành xuống Mỹ Tho gặp Phan Chu Trinh, trong lúc Phan Chu Trinh đang chuẩn bị sang Pháp.

Ông đi khắp các tỉnh Nam Bộ và đôi lần sang tận Campuchia. Đến đâu ông cũng tìm cách quan hệ với các nhà sư, nhà Nho yêu nước, chính trị phạm của các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân bị an trí hoặc đang lẫn tránh mật thám Pháp v.v.. Ông giúp nhiều chùa ở Nam Bộ dịch, chú giải kinh, góp nhiều ý kiến cho phong trào Chấn hưng Phật giáo do Hoà thượng Khánh Hoà khởi xướng. Hiện một số chùa còn bút tích và một vài câu đối nổi tiếng của ông.

Năm 1917, ông về Cao Lãnh, kết thân với nhiều nhà Nho yêu nước, trong đó có ông Lê Văn Đáng (Chánh nhất Đáng), Trần Bá Lê (Cả nhì Ngưu), gặp Võ Hoành (Cử Hoành). Ông Trần Bá Lê cất cho ông một gian nhà nhỏ để ông xem mạch cho toa và dạy nghề thuốc. Ông ở Cao Lãnh đến hết năm 1919.

Ông quan hệ với nhiều tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở đồng bằng sông Cửu Long và thường xuyên bị mật thám bám sát theo dõi, nhưng do rất cẩn thận, nên mật thám không có đủ chứng cứ để bắt ông.

Đầu năm 1928, ông về ở Cao Lãnh. Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Cao Lãnh, đứng đầu là Phạm Hữu Lầu, cho người sắp xếp ông về ở nhà ông Năm Giáo. Hàng ngày ông đến tiệm thuốc bắc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh xem mạch ra toa, buổi chiều ở nhà làm thuốc. Người giàu, ông lấy tiền; người nghèo, ông xem giúp và hốt thuốc không lấy tiền.

Cuối tháng 11/1929, ông lâm trọng bệnh và qua đời, được đồng bào làng Hoà An, Cao Lãnh chôn cất tử tế bên cạnh chùa Hoà Long (nay thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh). Trong thời gian tập kết chuyển quân năm 1954, mộ ông được Bộ đội và đồng bào địa phương tôn tạo và bảo vệ trong suốt thời kỳ chống Mỹ.

Lý lịch kỳ thú của 2 cây di sản trong Khu di tích thân sinh Bác Hồ

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Bác Hồ - tọa lạc TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Sau năm 1975, mộ ông được kiến tạo to đẹp, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm có đến hàng trăm ngàn lượt đồng bào trong nước và khách nước ngoài đến viếng.

NGUỒN: ĐỊA CHÍ TỈNH ĐỒNG THÁP

 BÀI VIẾT KHÁC


CỐM NỔ MIỀN TÂY

“Đùng!". Sau tiếng nổ, gạo đã có một hình hài khác - những hạt cốm nóng hổi, trắng tinh tuôn vào túi mành


ĐÁ GÀ DÂN GIAN

Đá gà (còn gọi là chọi gà) là một thú vui dân gian có từ lâu đời được nhiều người rất ưa chuộng, không chỉở v


KHU DU LỊCH SINH THÁI MỸ PHƯỚC THÀNH

“Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh, Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm”. Những dòng thơ trên đã phần nào giới thiệ


TƯỢNG ĐÀI KỶ NIỆM SỰ KIỆN 100 NGÀY TẬP KẾT CHUYỂN QUÂN RA BẮC

Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở trận Điện Biên Phủ. Ngay ngày hôm sau 8/5/1954, hội nghị Giơnevơ khai mạc và đến ngà



CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH MỸ PHƯỚC THÀNH

 

Địa chỉ: 264-266 Tôn Đức Thắng, P.Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp

 

Hotline: 0917.511.132

  • CSKH: 0917.511.132
  • Email: dulichsinhthaimyphuocthanh@gmail.com
  • Website: www.myphuocthanh.com
  • Facebook: fb.com/dulichsinhthaimyphuocthanh
Copyright © CÔNH TY TNHH DỊCH VỤ DU LỊCH MỸ PHƯỚC THÀNH 2019 - Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm

Hổ trợ

Đặt bàn

Góp ý