ÔNG BÀ CHỦ CHỢ CAO LÃNH
29-12-2022, 14:21:00
Nguyễn Văn Lượm
Bài viết
Nam bộ là vùng đất mới của Tổ quốc, có lịch sử khoảng trên 300 năm. Trước khi người Việt vào đây khai phá, tại đây đã có người Khơ-me, người Chăm sinh sống. Khi có con người sinh sống, người ta thường đặt tên cho vùng đất, đặt tên cho cây cỏ, con vật để tiện trong việc giao tiếp, trao đổi từ đó mà các địa danh được hình thành. Người Nam bộ có tính thẳng thắn, bộc trực, suy nghĩ có phần trực quan, ít hoa mỹ và ẩn ý như người miền Bắc. Nên cách người Nam bộ đặt tên sự vật, sự việc cũng rất đơn giản, trực quan. Có nhiều cách để đặt tên địa danh ở Nam bộ:
- Dựa vào địa hình, thế đất: Gò Tháp, Đồng Tháp, Giồng Riềng (KG), Giồng Trôm (BT), Gò Quao (KG), Hòn Sơn (KG), Hòn Đất (KG)…
- Sản vật (động, thực vật) ở nơi đó: Tràm Chim, Trảng Bàng (Tây Ninh), Bến Tre, Gò Dầu (Tây Ninh), Rạch Giá (KG), Rạch Cái Nhum, Đầm Sen
- Tên người: Bà Điểm, Bà Rịa, Kinh Thầy Lâm, Tắc Thầy Cai, Núi Bà Đen, Thủ Thừa (Long An-ông Thủ Mai Văn Thừa), cù lao ông Chưởng (chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh)
Ngoài ra, địa danh Nam bộ còn là sự vay mượn, phiên âm từ
- Tiếng Khơ-me (Chắc Cà Đao – chấp kdam: đi bắt cua; Srok Kh’leang: xứ có kho chứa bạc của nhà vua; Bạc Liêu - Tưk Kha-mau: nước đen…
- Tiếng Hoa: Bạc liêu - Pô Léo: xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, nghề chài lưới…
Trong đó, việc đặt tên địa danh dựa vào tên người là việc khá phổ biến ở Nam bộ. Ban đầu các địa danh đó được hình thành một cách tự phát trong dân gian, về sau trở thành tên gọi hành chính được công nhận và sử dụng một cách chính thức. Trường hợp tên gọi Cao Lãnh cũng như vậy.
Tượng thờ ông, bà Đỗ Công Tường
Chuyện kể rằng: Dưới triều vua Gia-Long năm Đinh-Sửu ( 1817 ), ông bà Đỗ-Công-Tường tục danh là Lãnh, người sinh quán miền Trung, đến lập nghiệp tại làng Mỹ-Trà, tổng Phong-Thạnh, thuộc tỉnh An-Giang (Sa-Đéc), gia cảnh khá, tính tình cương trực, nên được giao giữ chức Câu-Đương, chuyên phân xử những vụ tố tụng trong làng. Khẩn đất khai hoang, ông bà trồng được một vườn quít, nơi đây thuận chỗ nên dân làng thường tụ năm tụ bảy để mua bán hoặc đổi chác hàng hoá, càng lúc càng đông. Thấy cảnh nắng mưa, số người mua bán không nơi ẩn trú, Ông Bà bèn dọn cây che mái là tạm thành một cái chợ gọi là chợ Vườn Quít. Trong 3 năm chỗ này trở nên phồn thịnh, các tiệm buôn bên chợ Hòa-Thành (nay là Hòa-An) lần lần dời qua chợ Vườn Quít (chợ Mỹ-Trà, chợ Câu Lãnh ).
Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (cũ)
Năm Canh-Thìn (1820) tiết trời biến động, bệnh dịch tả phát lên dữ dội, làm cho dân làng này chết rất nhiều. Đêm, ngày tiếng mỏ thúc, tiếng ván ngựa đánh liên hồi, tiếng kêu cấp cứu hòa lẫn tiếng khóc than, từng đám tang nối tiếp, chợ Vườn Quít bỗng nên thưa thớt rồi vắng bặt tiếng người. Xóm làng phủ trùm màu thê lương tang tóc. Động lòng trắc ẩn và sẵn tình bác ái bao la. Ông Bà bèn đặt bàn hương-án giữa trời, trước sân chợ và đồng tâm khấn nguyện “ Hoàng-Thiên, Hậu-Thổ, chứng minh, Ông Bà xin chết thay cho nhân dân và cầu cho dịch trên mau chấm dứt, để đồng bào sớm thoát cảnh đau thương”. Sau lời nguyện này, Ông Bà chay lạt và khổ hạnh ba ngày, tức là từ ngày mùng 6 tháng 6 đến ngày mùng 8. Qua đến ngày mùng 9 thì Bà lâm bệnh và tắt hơi lối 10 giờ đêm. Đương việc tẩn liệm cho Bà thì Ông lại bệnh, cho đến ngày mùng 10, Ông theo Bà lối 2 giờ khuya. Chôn cất Ông Bà xong thì chứng bệnh dịch tả từ từ chấm dứt.
Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (mới)
Để tưởng nhớ đến sự hy sinh cao quý của Ông Bà, quý vị hương-chức, thân-hào, nhân sĩ và dân chúng cùng nhau lập miếu phụng thờ, lấy ngày mùng 9, mùng 10 tháng 6 (ÂL) làm ngày Vía của Ông Bà để dâng lễ mỗi năm. Ngôi chợ Vườn Quít, được dân chúng ghép tục danh với chức Câu-Đương của Ông thành tên là chợ Câu-Lãnh. Sau này gọi trại ra thành Cao-Lãnh.
NGUỒN THAM KHẢO: TÀI LIỆU VỀ ĐẾN THỜ ÔNG VÀ ĐỖ CÔNG TƯỜNG